QUYỀN TRẺ EM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
- Thứ năm - 04/03/2021 15:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Luật sư Dương Đức Trọng trong Chương trình “Vấn đề cùng bàn luận” của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương phát sóng ngày 06/06/2020 nói về " QUYỀN TRẺ EM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP".
Chương trình có sự tham gia của Luật sư Dương Đức Trọng - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Hải Dương và ông Vũ Hồng Quân - Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em và Bình đẳng Giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương.
Câu hỏi 1: Thưa Luật sư Dương Đức Trọng! Đối với những hành vi ngược đãi trẻ em như: Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, hiếp dâm, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em, Pháp luật Việt Nam quy định chế tài xử phạt ra sao?
Đáp:
Ngày 05/04/2016, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua Luật số 102/2016/QH13 về trẻ em. Theo đó, Điều 1 Luật định nghĩa rất ngắn gọn, xúc tích, rõ ràng trẻ em là người dưới 16 tuổi. Cũng theo Luật Trẻ em 2016, các hành vi đối với trẻ em được hiểu như sau:
− Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
− Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
− Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
− Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
− Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Theo quy định tại Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thì trong trường hợp bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy sản phẩm.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em và tiêu hủy vật phẩm gây hại.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của cha, mẹ, người giám hộ, người nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.
Đối với những hành vi mua bán bắt cóc, chiếm đoạt, xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em do tính chất nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự chứ không dừng ở mức xử phạt hành chính. Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định phạm tội với trẻ em là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết định khung có tính chất tăng nặng với rất nhiều tội như các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, các tội xâm phạm sở hữu v.v….
Điều 142 Bộ luật Hình sự quy định tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất đến tử hình. Điều 151 tội mua bán người dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất đến tù chung thân. Điều 153 tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù. Điều 146 tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, Điều 147 tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, Điều 152 tội đánh tráo người dưới 1 tuổi có khung hình phạt cao nhất đến 12 năm tù.
Câu hỏi 2: Xin luật sư cho biết, quyền trẻ em được ghi nhận như thế nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam? Anh nhận định ra sao về những thành tựu và cả những tồn tại, khó khăn trong thực hiện quyền trẻ em tại nước ta?
Đáp:
Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, cho đến hôm nay, vẫn được coi là tiến bộ nhất và có đông quốc gia thành viên nhất (196 quốc gia). Công ước được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1989 và Việt Nam đã phê chuẩn năm 1990, là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước. Ngay sau khi phê chuẩn, Việt Nam đã tiến hành đưa tinh thần và nội dung của Công ước trong chiến lược phát triển luật pháp quốc gia.
Luật Trẻ em năm 2016 gồm 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bên cạnh Hiến pháp 2013 và Luật Trẻ em 2016, còn có nhiều văn bản pháp luật khác cũng chứa đựng những quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền trẻ em ở nhiều lĩnh vực (hình sự, giáo dục, y tế, lao động, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình v.v…). Tựu trung lại, quyền trẻ em được pháp luật Việt Nam ghi nhận trên các khía cạnh cơ bản sau:
− Quyền sống: là quyền đầu tiên trẻ em được hưởng và phải bảo vệ. Điều 12 Luật Trẻ em quy định “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”.
− Quyền được khai sinh: Đây là một trong những quyền dân sự cơ bản, quan trọng của con người có từ khi sinh ra, để được công nhận là một thành viên của xã hội và là công dân của một Nhà nước. Đây là cơ sở, tiền đề bắt buộc để từ đó, cá nhân được hưởng và đòi hỏi được hưởng các quyền con người, quyền công dân của mình.
− Quyền có quốc tịch: Luật Quốc tịch năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch”, điều này có nghĩa là mọi trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền có quốc tịch.
− Quyền được chăm sóc sức khoẻ: Điều 14 Luật Trẻ em năm 2016 quy định “Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh”.
Trẻ em là một đối tượng đặc biệt trong vấn đề bảo đảm chăm sóc sức khỏe. Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 xác định trẻ em dưới 6 tuổi được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh là một nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
− Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng: Điều 15 Luật Trẻ em năm 2016 khẳng định “Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện”.
Bên cạnh gia đình, cơ sở giáo dục cũng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Trách nhiệm này được khẳng định tại Điều 21 Luật Giáo dục năm 2005: “Cơ sở giáo dục mầm non thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi - 6 tuổi”.
− Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Điều 16 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân”.
Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định Nhà nước đảm bảo các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong cả nước và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.
− Quyền vui chơi, giải trí: Nội dung này được quy định tại Điều 17 Luật Trẻ em năm 2016 “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”.
− Quyền có tài sản: Điều 20 Luật Trẻ em năm 2016 khẳng định: “Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định “Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con”.
− Quyền được sống chung với cha mẹ: Trẻ em là người chưa đạt tới sự trưởng thành về mặt sinh học, tâm lý xã hội để được coi là người lớn và do đó chưa trưởng thành để có thể sống hoàn toàn tự lập. Điều 22 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.
− Quyền được bảo vệ: Trẻ em là những người còn rất non nớt về thể xác và tinh thần. Các em cần sự giúp đỡ của người lớn để được an toàn. Luật Trẻ em năm 2016 quy định về nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em. Theo đó, trẻ em được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, thoát khỏi sự bóc lột về kinh tế, sự lạm dụng, xâm hại về thể xác và tinh thần, bị lơ là và bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ, các em phải được bảo vệ trong tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng. Nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em.
− Quyền được tham gia: Luật Trẻ em năm 2016 dành riêng một chương quy định về quyền tham gia của trẻ em. Theo đó, trẻ em được tham gia vào tất cả những vấn đề liên quan đến trẻ em thông qua các hình thức như: diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sự kiện; thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TCNS Hồ Chí Minh v.v…
Sau 30 năm thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên cả nước. Theo số liệu do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp thì chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ trong thực hiện quyền trẻ em:
− Về hệ thống pháp luật: Hiến pháp năm 2013 có một chương quy định rõ về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em.
− Hơn 7 triệu trẻ em được tiêm chủng, thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, kiểm soát bệnh sởi.
− Tỷ suất tử vong của của trẻ dưới 5 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống từ 58 phần nghìn năm 1999 xuống 21,4 phần nghìn năm 2018.
− Nghỉ thai sản của mẹ nâng từ 4 tháng lên 6 tháng, tạo điều kiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ.
− Về phổ cập giáo dục: tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt 98%, cấp trung học cơ sở là 89,2%. 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt phổ cập trung học cơ sở, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
− Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 51,5% năm 1985 xuống 14% năm 2017, thấp còi giảm từ 59,7% năm 1985 xuống 26% năm 2017.
Đạt được những thành tựu trên nhưng chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện quyền trẻ em.
Ở Việt Nam, một số trẻ em phải sống trong các điều kiện thiếu thốn, chưa thực sự an toàn. Đô thị hóa và di cư dẫn đến tình trạng trẻ em nông thôn thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ. Trẻ em cùng cha mẹ đến đô thị, khu công nghiệp khó tiếp cận dịch vụ cơ bản có chất lượng; giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non thiếu và không đảm bảo tiêu chuẩn; không được khai sinh; không tiếp cận được bảo hiểm y tế; gia tăng tai nạn thương tích do thiếu giám sát của gia đình... Trong khi đó, trẻ em ở đô thị cũng chịu áp lực do thiếu hạ tầng dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí; môi trường sống thiếu an toàn (tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường v.v…).
Có khoảng 5,5 triệu trẻ em ở Việt Nam là trẻ em nghèo đa chiều, nghĩa là các em không được thực hiện 2 trong số các quyền cơ bản về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hòa nhập xã hội, nước sạch và vệ sinh.
Hiện cả nước vẫn còn gần 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, 2 triệu em bị thừa cân, béo phì; 3 triệu trẻ em không được sử dụng nước sạch; hơn 8% trẻ em từ 11 - 14 tuổi và gần 30% trẻ em dân tộc thiểu số là trẻ em ngoài trường học; gần 700.000 trẻ khuyết tật vẫn gặp phải những rào cản để có thể được giáo dục hòa nhập…
Tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước gây bức xúc trong xã hội. Trong hai năm 2017 - 2018 cả nước ghi nhận có gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng và 3.200 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 81,3% (đã xử lý hình sự 2.600 vụ với 2.800 đối tượng; 53 vụ mua bán trẻ em với 63 nạn nhân).
Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển internet, mạng xã hội một mặt tạo môi trường để trẻ em phát triển trí tuệ, giao tiếp xã hội nhanh hơn thì cũng đồng thời làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng.
Câu hỏi 3: Thưa Luật sư! Nhiều vụ việc về xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra. Thế nhưng nhiều ý kiến của chuyên gia và người dân cho rằng chế tài xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa theo kịp với thực tiễn, gây nhức nhối dư luận và chưa đủ sức răn đe. Luật sư nghĩ sao về vấn đề này?
Đáp:
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, tại Điều 142 tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi khung hình phạt cao nhất là tử hình, Điều 146 tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em xảy ra phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Pháp luật Mỹ xử phạt hành vi dâm ô đối với trẻ em mức cao nhất là tù chung thân, hiện nay một số bang đang đề xuất phạt tử hình. Pháp luật Nhật Bản xử phạt tội phạm hiếp dâm bé gái dưới 13 tuổi 5 năm tù trở lên mà không quy định mức trần, tội phạm dâm ô trẻ em sẽ bị phạt tù cao nhất đến 10 năm tù. Pháp luật Ấn Độ xử phạt tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi mức án cao nhất là tử hình.
Như vậy, có thể nói pháp luật Việt Nam có mức xử phạt khá tương đồng với các nước khác trên thế giới, cũng rất nghiêm khắc với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Thế nhưng trong thời gian qua, các vụ án xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra. Tôi cho rằng nguyên nhân của vấn đề này chưa hẳn chỉ nằm ở chế tài xử lý đã nghiêm khắc, đủ tính răn đe hay chưa. Mấu chốt nằm ở chỗ tất cả các vụ việc xảy ra đều được đưa ra ánh sáng, giải quyết công khai, minh bạch, khách quan hay không. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiếp nhận được đơn thư tố cáo cần tích cực xác minh, điều tra giải quyết, không hành chính hóa vụ án hình sự hay nghiêm trọng hơn là không giải quyết tin báo tội phạm, để quá hạn giải quyết quá lâu, sẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật Việt Nam.
Vừa qua có những vụ án được sự quan tâm rất lớn của nhân dân, được các cơ quan báo chí lên tiếng mạnh mẽ, theo sát quá trình giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng. Có lẽ đình đám nhất là vụ án ông Nguyễn Hữu Linh nguyên là Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng bị cáo buộc đã thực hiện hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy của chung cư tại quận 4 TP. Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân quận 4 đã xử phạt ông Linh 18 tháng tù giam về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Ông Linh sau đó đã kháng cáo kêu oan. Và còn rất nhiều vụ án khác đang được các cơ quan thông tấn báo chí liên tục đưa ra trước công luận.
Ngoài việc thông tin liên quan đến vụ án, báo chí đã lồng ghép tuyên truyền cho người dân có nhận thức cao hơn về việc bảo vệ trẻ em nói chung và lên án, trừng trị thích đáng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Đây là dấu hiệu tốt thúc đẩy cho nền pháp lý Việt Nam xử lý tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em kiên quyết và nghiêm khắc hơn.
Câu hỏi 4: Trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được bảo vệ ra sao và được Pháp luật quy định như thế nào, thưa Luật sư?
Đáp:
Trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được bảo vệ một cách đúng mức. Một số giải pháp đã được các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện đồng bộ như: Phát động tháng hành động vì trẻ em; diễn đàn trẻ em các cấp; chương trình gặp mặt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có giải pháp hỗ trợ các em kịp thời; nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp; tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Hướng mạnh vào mục tiêu phòng ngừa, hạn chế, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại tới trẻ em; đồng thời trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội để các em được hòa nhập cộng đồng; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống của trẻ em giữa các vùng miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em.
Luật Trẻ em năm 2016 đã dành hẳn một chương IV để quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em. Theo đó, bảo vệ trẻ em được thực hiện theo 3 cấp độ sau đây:
− Cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
− Cấp độ hỗ trợ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.
− Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Câu hỏi 1: Thưa Luật sư Dương Đức Trọng! Đối với những hành vi ngược đãi trẻ em như: Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, hiếp dâm, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em, Pháp luật Việt Nam quy định chế tài xử phạt ra sao?
Đáp:
Ngày 05/04/2016, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua Luật số 102/2016/QH13 về trẻ em. Theo đó, Điều 1 Luật định nghĩa rất ngắn gọn, xúc tích, rõ ràng trẻ em là người dưới 16 tuổi. Cũng theo Luật Trẻ em 2016, các hành vi đối với trẻ em được hiểu như sau:
− Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
− Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
− Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
− Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
− Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Theo quy định tại Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thì trong trường hợp bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy sản phẩm.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em và tiêu hủy vật phẩm gây hại.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của cha, mẹ, người giám hộ, người nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.
Đối với những hành vi mua bán bắt cóc, chiếm đoạt, xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em do tính chất nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự chứ không dừng ở mức xử phạt hành chính. Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định phạm tội với trẻ em là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết định khung có tính chất tăng nặng với rất nhiều tội như các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, các tội xâm phạm sở hữu v.v….
Điều 142 Bộ luật Hình sự quy định tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất đến tử hình. Điều 151 tội mua bán người dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất đến tù chung thân. Điều 153 tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù. Điều 146 tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, Điều 147 tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, Điều 152 tội đánh tráo người dưới 1 tuổi có khung hình phạt cao nhất đến 12 năm tù.
Câu hỏi 2: Xin luật sư cho biết, quyền trẻ em được ghi nhận như thế nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam? Anh nhận định ra sao về những thành tựu và cả những tồn tại, khó khăn trong thực hiện quyền trẻ em tại nước ta?
Đáp:
Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, cho đến hôm nay, vẫn được coi là tiến bộ nhất và có đông quốc gia thành viên nhất (196 quốc gia). Công ước được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1989 và Việt Nam đã phê chuẩn năm 1990, là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước. Ngay sau khi phê chuẩn, Việt Nam đã tiến hành đưa tinh thần và nội dung của Công ước trong chiến lược phát triển luật pháp quốc gia.
Luật Trẻ em năm 2016 gồm 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bên cạnh Hiến pháp 2013 và Luật Trẻ em 2016, còn có nhiều văn bản pháp luật khác cũng chứa đựng những quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền trẻ em ở nhiều lĩnh vực (hình sự, giáo dục, y tế, lao động, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình v.v…). Tựu trung lại, quyền trẻ em được pháp luật Việt Nam ghi nhận trên các khía cạnh cơ bản sau:
− Quyền sống: là quyền đầu tiên trẻ em được hưởng và phải bảo vệ. Điều 12 Luật Trẻ em quy định “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”.
− Quyền được khai sinh: Đây là một trong những quyền dân sự cơ bản, quan trọng của con người có từ khi sinh ra, để được công nhận là một thành viên của xã hội và là công dân của một Nhà nước. Đây là cơ sở, tiền đề bắt buộc để từ đó, cá nhân được hưởng và đòi hỏi được hưởng các quyền con người, quyền công dân của mình.
− Quyền có quốc tịch: Luật Quốc tịch năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch”, điều này có nghĩa là mọi trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền có quốc tịch.
− Quyền được chăm sóc sức khoẻ: Điều 14 Luật Trẻ em năm 2016 quy định “Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh”.
Trẻ em là một đối tượng đặc biệt trong vấn đề bảo đảm chăm sóc sức khỏe. Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 xác định trẻ em dưới 6 tuổi được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh là một nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
− Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng: Điều 15 Luật Trẻ em năm 2016 khẳng định “Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện”.
Bên cạnh gia đình, cơ sở giáo dục cũng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Trách nhiệm này được khẳng định tại Điều 21 Luật Giáo dục năm 2005: “Cơ sở giáo dục mầm non thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi - 6 tuổi”.
− Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Điều 16 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân”.
Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định Nhà nước đảm bảo các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong cả nước và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.
− Quyền vui chơi, giải trí: Nội dung này được quy định tại Điều 17 Luật Trẻ em năm 2016 “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”.
− Quyền có tài sản: Điều 20 Luật Trẻ em năm 2016 khẳng định: “Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định “Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con”.
− Quyền được sống chung với cha mẹ: Trẻ em là người chưa đạt tới sự trưởng thành về mặt sinh học, tâm lý xã hội để được coi là người lớn và do đó chưa trưởng thành để có thể sống hoàn toàn tự lập. Điều 22 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.
− Quyền được bảo vệ: Trẻ em là những người còn rất non nớt về thể xác và tinh thần. Các em cần sự giúp đỡ của người lớn để được an toàn. Luật Trẻ em năm 2016 quy định về nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em. Theo đó, trẻ em được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, thoát khỏi sự bóc lột về kinh tế, sự lạm dụng, xâm hại về thể xác và tinh thần, bị lơ là và bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ, các em phải được bảo vệ trong tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng. Nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em.
− Quyền được tham gia: Luật Trẻ em năm 2016 dành riêng một chương quy định về quyền tham gia của trẻ em. Theo đó, trẻ em được tham gia vào tất cả những vấn đề liên quan đến trẻ em thông qua các hình thức như: diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sự kiện; thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TCNS Hồ Chí Minh v.v…
Sau 30 năm thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên cả nước. Theo số liệu do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp thì chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ trong thực hiện quyền trẻ em:
− Về hệ thống pháp luật: Hiến pháp năm 2013 có một chương quy định rõ về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em.
− Hơn 7 triệu trẻ em được tiêm chủng, thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, kiểm soát bệnh sởi.
− Tỷ suất tử vong của của trẻ dưới 5 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống từ 58 phần nghìn năm 1999 xuống 21,4 phần nghìn năm 2018.
− Nghỉ thai sản của mẹ nâng từ 4 tháng lên 6 tháng, tạo điều kiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ.
− Về phổ cập giáo dục: tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt 98%, cấp trung học cơ sở là 89,2%. 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt phổ cập trung học cơ sở, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
− Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 51,5% năm 1985 xuống 14% năm 2017, thấp còi giảm từ 59,7% năm 1985 xuống 26% năm 2017.
Đạt được những thành tựu trên nhưng chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện quyền trẻ em.
Ở Việt Nam, một số trẻ em phải sống trong các điều kiện thiếu thốn, chưa thực sự an toàn. Đô thị hóa và di cư dẫn đến tình trạng trẻ em nông thôn thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ. Trẻ em cùng cha mẹ đến đô thị, khu công nghiệp khó tiếp cận dịch vụ cơ bản có chất lượng; giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non thiếu và không đảm bảo tiêu chuẩn; không được khai sinh; không tiếp cận được bảo hiểm y tế; gia tăng tai nạn thương tích do thiếu giám sát của gia đình... Trong khi đó, trẻ em ở đô thị cũng chịu áp lực do thiếu hạ tầng dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí; môi trường sống thiếu an toàn (tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường v.v…).
Có khoảng 5,5 triệu trẻ em ở Việt Nam là trẻ em nghèo đa chiều, nghĩa là các em không được thực hiện 2 trong số các quyền cơ bản về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hòa nhập xã hội, nước sạch và vệ sinh.
Hiện cả nước vẫn còn gần 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, 2 triệu em bị thừa cân, béo phì; 3 triệu trẻ em không được sử dụng nước sạch; hơn 8% trẻ em từ 11 - 14 tuổi và gần 30% trẻ em dân tộc thiểu số là trẻ em ngoài trường học; gần 700.000 trẻ khuyết tật vẫn gặp phải những rào cản để có thể được giáo dục hòa nhập…
Tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước gây bức xúc trong xã hội. Trong hai năm 2017 - 2018 cả nước ghi nhận có gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng và 3.200 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 81,3% (đã xử lý hình sự 2.600 vụ với 2.800 đối tượng; 53 vụ mua bán trẻ em với 63 nạn nhân).
Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển internet, mạng xã hội một mặt tạo môi trường để trẻ em phát triển trí tuệ, giao tiếp xã hội nhanh hơn thì cũng đồng thời làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng.
Câu hỏi 3: Thưa Luật sư! Nhiều vụ việc về xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra. Thế nhưng nhiều ý kiến của chuyên gia và người dân cho rằng chế tài xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa theo kịp với thực tiễn, gây nhức nhối dư luận và chưa đủ sức răn đe. Luật sư nghĩ sao về vấn đề này?
Đáp:
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, tại Điều 142 tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi khung hình phạt cao nhất là tử hình, Điều 146 tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em xảy ra phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Pháp luật Mỹ xử phạt hành vi dâm ô đối với trẻ em mức cao nhất là tù chung thân, hiện nay một số bang đang đề xuất phạt tử hình. Pháp luật Nhật Bản xử phạt tội phạm hiếp dâm bé gái dưới 13 tuổi 5 năm tù trở lên mà không quy định mức trần, tội phạm dâm ô trẻ em sẽ bị phạt tù cao nhất đến 10 năm tù. Pháp luật Ấn Độ xử phạt tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi mức án cao nhất là tử hình.
Như vậy, có thể nói pháp luật Việt Nam có mức xử phạt khá tương đồng với các nước khác trên thế giới, cũng rất nghiêm khắc với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Thế nhưng trong thời gian qua, các vụ án xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra. Tôi cho rằng nguyên nhân của vấn đề này chưa hẳn chỉ nằm ở chế tài xử lý đã nghiêm khắc, đủ tính răn đe hay chưa. Mấu chốt nằm ở chỗ tất cả các vụ việc xảy ra đều được đưa ra ánh sáng, giải quyết công khai, minh bạch, khách quan hay không. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiếp nhận được đơn thư tố cáo cần tích cực xác minh, điều tra giải quyết, không hành chính hóa vụ án hình sự hay nghiêm trọng hơn là không giải quyết tin báo tội phạm, để quá hạn giải quyết quá lâu, sẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật Việt Nam.
Vừa qua có những vụ án được sự quan tâm rất lớn của nhân dân, được các cơ quan báo chí lên tiếng mạnh mẽ, theo sát quá trình giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng. Có lẽ đình đám nhất là vụ án ông Nguyễn Hữu Linh nguyên là Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng bị cáo buộc đã thực hiện hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy của chung cư tại quận 4 TP. Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân quận 4 đã xử phạt ông Linh 18 tháng tù giam về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Ông Linh sau đó đã kháng cáo kêu oan. Và còn rất nhiều vụ án khác đang được các cơ quan thông tấn báo chí liên tục đưa ra trước công luận.
Ngoài việc thông tin liên quan đến vụ án, báo chí đã lồng ghép tuyên truyền cho người dân có nhận thức cao hơn về việc bảo vệ trẻ em nói chung và lên án, trừng trị thích đáng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Đây là dấu hiệu tốt thúc đẩy cho nền pháp lý Việt Nam xử lý tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em kiên quyết và nghiêm khắc hơn.
Câu hỏi 4: Trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được bảo vệ ra sao và được Pháp luật quy định như thế nào, thưa Luật sư?
Đáp:
Trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được bảo vệ một cách đúng mức. Một số giải pháp đã được các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện đồng bộ như: Phát động tháng hành động vì trẻ em; diễn đàn trẻ em các cấp; chương trình gặp mặt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có giải pháp hỗ trợ các em kịp thời; nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp; tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Hướng mạnh vào mục tiêu phòng ngừa, hạn chế, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại tới trẻ em; đồng thời trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội để các em được hòa nhập cộng đồng; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống của trẻ em giữa các vùng miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em.
Luật Trẻ em năm 2016 đã dành hẳn một chương IV để quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em. Theo đó, bảo vệ trẻ em được thực hiện theo 3 cấp độ sau đây:
− Cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
− Cấp độ hỗ trợ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.
− Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.