Luật Sư TH Bảo Tín - Luật Sư Giỏi tỉnh Hải Dương

https://luatbaotin.com


VĂN HÓA TÂM LINH VÀ VIỆC BÀI TRỪ MÊ TÍN DỊ ĐOAN

Luật sư Dương Đức Trọng trong chương trình " Vấn đề cùng bàn luận" của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương phát sóng 22h00 thứ 7 ngày 04/03/2023 nói về " VĂN HÓA TÂM LINH VÀ VIỆC BÀI TRỪ MÊ TÍN DỊ ĐOAN".
.
Câu hỏi 1: 
Thưa Luật sư Dương Đức Trọng! Tín ngưỡng và mê tín dị đoan là hai thuật ngữ rất dễ gây hiểu lầm cho người dân. Vậy tín ngưỡng và mê tín dị đoan được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?
Trả lời:
Để điều chỉnh về vấn đề này, năm 2016 Quốc hội đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo quy định tại Điều 2 của Luật, tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Ví dụ như tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ Thành Hoàng, thờ Thần, thờ Mẫu v.v…
Theo quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì tín ngưỡng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tín ngưỡng nào. Thậm chí, người bị tạm giữ, người bị tạm giam; đang chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc cũng có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng.
Về mê tín dị đoan, pháp luật không định nghĩa rõ là như thế nào, nhưng trên cơ sở kiến thức xã hội, chúng ta có thể hiểu một cách hết sức cơ bản mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, hao tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, thiệt hại về tài sản, ví dụ như tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép v.v... 
Qua giải thích như vậy thì đương nhiên không có pháp luật nào bảo vệ cho mê tín dị đoan, thậm chí pháp luật còn có những chế tài để trừng trị, răn đe những hành vi mê tín dị đoan gây ra hậu quả xấu.
Câu hỏi 2: 
Thưa Luật sư Dương Đức Trọng! Luật sư suy nghĩ như thế nào về thực trạng nhiều người lợi dụng lễ hội và mạng xã hội để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân?
Trả lời:

Đây là một thực trạng diễn ra khá phổ biến từ trước đến nay. Mặc dù các cơ quan chức năng cũng rất quan tâm bài trừ nhưng nếu không làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa thì tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Cá nhân tôi cho rằng mê tín dị đoan là một vấn nạn nhức nhối, pháp luật không thừa nhận, nên không thể coi đây là một nghề nghiệp hợp pháp, do đó không gọi là hành nghề mê tín dị đoan được, mà chỉ gọi là hoạt động mê tín dị đoan.
Lợi dụng tâm lý tin tưởng thái quá, mù quáng, dễ bị thao túng tâm lý khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống của người dân, một bộ phận không nhỏ những người đã có hoạt động mê tín dị đoan trong một khoảng thời gian dài, có thể lên đến hàng chục năm, để trục lợi số tiền rất lớn.
Tình trạng lợi dụng lễ hội hoạt động mê tín dị đoan thì đã có từ rất lâu, còn việc sử dụng mạng xã hội hoạt động mê tín dị đoan thì mấy năm gần đây mới xuất hiện, nhưng như một trào lưu, tần suất sử dụng mạng xã hội của những người này liên tục, dày đặc, và càng ngày càng có nhiều người sử dụng phương tiện này như một cách quảng bá, quảng cáo việc làm của mình cho thật nhiều người biết. Đây là tình trạng đáng báo động, các cơ quan chức năng cần hết sức quan tâm và quyết liệt xử lý, tránh để xảy ra những hệ lụy xấu.
Câu hỏi 3: 
Hành nghề mê tín dị đoan khiến nhiều người tin vào những điều mơ hồ dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, tài sản là điều mà pháp luật nghiêm cấm. Vậy, theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:

Theo quy định hiện hành, Nghị định số 38 năm 2021 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, cụ thể tại Điều 14 các vi phạm quy định về tổ chức lễ hội: tổ chức hoạt động mê tín dị đoan bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, tham gia hoạt động mê tín dị doan trong lễ hội bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, tại Điều 20 các vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa, mức phạt cho hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để hoạt động mê tín dị đoan lên đến từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đối với hoạt động mê tín dị đoan mà sử dụng mạng xã hội, sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 15 năm 2020 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử, được sửa đổi bởi Nghị định số 14 năm 2022 của Chính phủ: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hành vi sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin kích động mê tín dị đoan; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Câu hỏi 4: 
Thưa luật sư! Mê tín, dị đoan có liên quan đến nhận thức của con người. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về nhiều mặt trong nhân dân là một trong những biện pháp quan trọng, góp phần bài trừ, loại bỏ tệ nạn xã hội này. Anh nhận định như thế nào về vai trò của tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mê tín, dị đoan?
Trả lời:

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm mê tín, dị đoan nói riêng luôn đóng vai trò rất quan trọng.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của nhân dân phân biệt giữa thực hành tín ngưỡng lành mạnh với sự u mê, mê tín dị đoan, dễ bị người khác xúi bẩy, trục lợi. Khi dân trí người dân được nâng cao sẽ không còn môi trường thuận lợi cho những kẻ hoạt động mê tín dị đoan dễ dàng phạm tội được nữa.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của những người đang tổ chức, hoạt động mê tín dị đoan. Họ biết những điều cấm của pháp luật, biết hình phạt dành cho kẻ phạm tội, sẽ không còn hoặc hạn chế nhiều việc phạm tội của những người này.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, những người thực thi, áp dụng pháp luật. Họ sẽ đấu tranh quyết liệt hơn với tội phạm mê tín dị đoan, không để những tội phạm này có cơ hội manh nha phát triển, bén rễ, ăn sâu trong cộng đồng cư dân.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây