Các yếu tố cấu thành tội phạm đánh bạc
- Thứ tư - 21/10/2020 04:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thế nào là tội đánh bạc?
Tội đánh bạc là hành vi có ít nhất 02 người trở lên cùng tham gia, có sự thỏa thuận thắng thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị dưới bất kỳ hình thức nào. Tội đánh bạc có các đặc điểm pháp lý như sau:
- Thắng thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
- Thắng thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc các hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự 2015.
- Đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc các tội khác quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự 2015.
- Chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Các yếu tố cấu thành tội phạm đánh bạc:
1. Mặt khách quan
Hành vi đánh bạc dưới bất kì hình thức nào, có thắng thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 5 triệu đồng - 50 triệu đồng; tiền hoặc hiện vật có giá trị dưới 5 triệu đồng nhưng trước đó đã vi phạm hành vi tương tự mà chưa được xóa án tích.
Tiền và hiện vật dùng để đánh bạc được xác định bằng tiền và hiện vật thu giữ tại chiếu bạc; tiền và hiện vật trên người các con bạc mà có căn cứ sẽ dùng để đánh bạc; tiền và hiện vật thu giữ ở nơi khác mà có căn cứ sẽ dùng để đánh bạc.
- Đối với người đánh bạc dưới hình thức cá độ, đánh đề: Tiền và hiện vật được xác định bằng số tiền đã bỏ ra cộng với số tiền thắng được.
- Đối với chủ đề, chủ cá độ: Tiền và hiện vật được xác định bằng số họ đã nhận được từ người chơi và số họ đã trả cho người trúng.
2. Mặt chủ quan
Mặt chủ quan được xác định bằng lỗi cố ý thực hiện hành vi dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.
3. Mặt chủ thể
Cá nhân đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và người từ đủ 16 tuổi trở lên.
4. Mặt khách thể
Hành vi ảnh hưởng đến trật tự công cộng, an toàn xã hội.
Trên đây là đặc điểm pháp lý và các yếu tố cấu thành tội phạm đánh bạc mà Luật Bảo Tín muốn chia sẻ với bạn. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn sẽ có thêm những kiến thức về loại tội phạm này từ đó điều chỉnh hành vi của mình để tránh không vi phạm pháp luật.