Xác định điều kiện khởi kiện vụ án về tranh chấp lao động
- Thứ hai - 07/11/2016 22:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Về điều kiện khởi kiện vụ án lao động: Bộ luật lao động 2012 quy định tranh chấp lao động (trừ các loại việc tranh chấp về sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động, tranh chấp về Bảo hiểm xã hội quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012, tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), các bên phải đưa việc tranh chấp ra hòa giải.
Chỉ trong các trường hợp hòa giải không thành (có biên bản hòa giải không thành), hoặc hòa giải thành nhưng một trong các bên không thực hiện biên bản hòa giải thành, hoặc hết thời hạn quy định mà việc tranh chấp không được đưa ra hòa giải, thì các bên mới có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Quy định về thủ tục hòa giải là bắt buộc, do đó, nếu đương sự khởi kiện vụ tranh chấp lao động mà chưa bảo đảm các điều kiện nói trên, thì Tòa án phải xác định là chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 200 Bộ luật lao động 2012 thì việc hòa giải các tranh chấp lao động do Hòa giải viên lao động thực hiện. Do đó, nếu việc tranh chấp do các cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân khác không phải là Hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải đều không có giá trị. Khi tiếp nhận đơn kiện, nếu việc kiện thuộc trường hợp này, cũng coi là chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Trong thực tế đã xảy ra một số tình huống khá phức tạp, chưa được hướng dẫn, nên các Tòa án có quan điểm xử lý khác nhau. Dưới đây là một số trường hợp cụ thể:
+ Khi xảy ra tranh chấp, các bên đã yêu cầu hòa giải; hòa giải viên lao động đã hòa giải thành; các bên đã thực hiện biên bản hòa giải thành, nhưng sau đó người lao động thấy không thỏa đáng nên khởi kiện đòi bồi thường thêm. Trường hợp này Tòa án có thụ lý đơn kiện để giải quyết hay không?
Khi vụ việc tranh chấp đã được đưa ra hòa giải và đã hòa giải thành thì một hoặc các bên chỉ có quyền được đưa vụ việc ra Tòa án nếu một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành. Trường hợp bên người sử dụng lao động đã thực hiện biên bản hòa giải thành, nhưng người lao động khởi kiện đòi bồi thường thêm, thì yêu cầu đó vượt quá phạm vi nội dung mà các bên đã thỏa thuận, do đó người lao động không có quyền khởi kiện đòi bồi thường thêm, trừ trường hợp có căn cứ cho thấy sự thỏa thuận giữa các bên trong biên bản hòa giải thành có vi phạm pháp luật hoặc đạo đức xã hội.
+ Sau khi Thanh tra lao động đã có quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, các bên có được khởi kiện tại Tòa án nữa hay không?
Khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ tranh chấp và yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là hai thủ tục khác nhau. Khi hợp đồng lao động vô hiệu, thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên liên quan đến nội dung bị tuyên bố vô hiệu được giải quyết theo các quy định tương ứng trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác.
Theo quy định tại Điều 50 BLLĐ 2012 thì hợp đồng lao động có thể bị vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ; quyền, nghĩa vụ của các bên trong nội dung bị tuyên bố vô hiệu được giải quyết theo Điều 10, Điều 11 của Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ 2012.
Theo Điều 12 của Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ thì: ”Trường hợp không đồng ý với quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thì người sử dụng lao động hoặc người lao động tiến hành khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.
Do đó, khi không đồng ý với quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án.