"Vẽ" thêm giấy tờ
Hiện nay, tình trạng các cơ quan nhà nước không niêm yết công khai các TTHC thuộc phạm vi giải quyết của mình và "vẽ" thêm nhiều giấy tờ khi giải quyết các TTHC diễn ra khá phổ biến. "Tôi thường xuyên giúp các cá nhân, doanh nghiệp giải quyết các TTHC. Trong quá trình thực hiện, tôi rất hay bị các cơ quan hành chính yêu cầu thêm nhiều giấy tờ mà pháp luật không quy định", luật sư Dương Đức Trọng ở Văn phòng Luật sư Á Đông (TP Hải Dương) cho biết.
Luật sư Trọng dẫn chứng, cách đây khoảng nửa tháng, ông thay mặt một doanh nghiệp làm giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học. Theo Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21.4.2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học chỉ gồm văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; danh sách đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học (bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vị trí công việc sẽ đảm nhiệm tại tổ chức dịch vụ tư vấn du học); bản sao có chứng thực văn bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học. Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thêm rất nhiều văn bản, giấy tờ. Đối với doanh nghiệp, phải có văn bản, hợp đồng hợp tác giữa đối tác nước ngoài. Đối với nhân viên trực tiếp tư vấn du học, chuyên viên sở yêu cầu thêm có ít nhất 2 chứng chỉ nghiệp vụ bồi dưỡng, tư vấn du học. Trong trường hợp có giảng dạy ngoại ngữ, chuyên viên tư vấn du học phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. "Tôi thấy những thủ tục này không được niêm yết công khai tại bộ phận "một cửa" và trang thông tin điện tử của sở nên tôi không nắm được thủ tục để làm, do đó bắt buộc phải trực tiếp sang sở để được chuyên viên của sở hướng dẫn", luật sư Trọng cho biết thêm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tình trạng yêu cầu thêm hồ sơ, giấy tờ còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại một số địa phương, cán bộ tư pháp-hộ tịch yêu cầu người dân cung cấp thêm các giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế, thẻ đảng viên, các loại bằng cấp, xác nhận của cơ quan… khi họ đến làm thủ tục cấp lại giấy khai sinh. Có địa phương, công dân đến làm thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng đất nhưng tất cả các loại giấy tờ đều yêu cầu phải chứng thực...
Bất cập ngay từ luật
Hiện có tình trạng một số luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật không thống nhất, có nhiều điểm bất đồng, gây khó khăn cho cả cơ quan chức năng và người dân khi thực hiện.
Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận hoạt động tư vấn du học không được niêm yết trên
Cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo
Cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo
Ông Trần Văn Hà, Trưởng Phòng Nghiệp vụ quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: "Pháp luật quản lý về đất đai hiện nay có rất nhiều bất cập. Ngay bản thân Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật có nhiều điểm không thống nhất, rõ ràng. Nhiều lĩnh vực được quy định tại Luật Đất đai nhưng lại không được quy định, điều chỉnh ở các luật chuyên ngành khác nên các cơ quan chức năng khó thực hiện".
Theo ông Hà, TTHC đã được chuẩn hóa của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện cũng có quy định chưa thực tế, như thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất. Trong đó quy định người đề nghị thẩm định phải nộp hồ sơ gồm: “đơn xin thuê đất, giao đất; bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư kèm theo bản thuyết minh dự án đầu tư; trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất…”. Nhưng theo pháp luật đất đai thì việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất được thực hiện khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án đầu tư và pháp luật về đầu tư quy định một trong những tài liệu để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư là văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất. Để có văn bản chấp thuận đầu tư thì văn bản thẩm định nhu cầu, điều kiện giao đất, cho thuê đất phải có trước, văn bản chấp thuận đầu tư có sau. "Quy định như vậy gây khó khăn khi thực hiện TTHC này", ông Hà nói.
Thực tế hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, do pháp luật về đất đai không quy định về trình tự, thủ tục, trong đó có hồ sơ để thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất nên cả các ngành chức năng và các cá nhân, đơn vị có nhu cầu thuê đất không thể thực hiện được.
Pháp luật về đất đai có quy định quyền sử dụng đất nhưng lại không quy định về trình tự, thủ tục ban hành quyết định quyền công nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng pháp luật về thu tiền sử dụng đất lại xác định thu tiền sử dụng đất từ ngày có quyết định sử dụng đất. Quy định thiếu thống nhất, không rõ ràng này đã gây khó khăn cho các cơ quan thực thi.
Theo nhiều cán bộ, công chức, những quy định không rõ ràng, chồng chéo, gây khó khăn cho các cơ quan chuyên môn và tổ chức, công dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bức xúc, khiếu kiện kéo dài.