Việc luật hóa quyền TCTT được coi là công cụ để thực hiện công khai, minh bạch thông tin.
Công khai thông tin
Luật TCTT gồm 5 chương, 37 điều quy định việc thực hiện quyền TCTT; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảm đảm quyền TCTT của công dân...
Theo luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, TCTT là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với sự bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, người dân có thể TCTT từ nhiều nguồn; việc tiếp cận từ những nguồn tin chính thống, minh bạch sẽ giúp họ có được thông tin chính xác.
Luật quy định mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong thực hiện quyền TCTT; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền TCTT.
Người dân được TCTT bằng hai cách: tự do TCTT do cơ quan nhà nước công khai; yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Khi yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, người dân phải hoàn thiện các nội dung của phiếu yêu cầu cung cấp thông tin theo mẫu kèm theo Nghị định 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật TCTT. Trong đó, người yêu cầu cung cấp thông tin phải thể hiện các nội dung họ, tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, thông tin được yêu cầu cung cấp, lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin…
"Rất nhiều thông tin liên quan đến lợi ích thiết thân như quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng… nhưng người dân chưa nắm được. Luật TCTT ra đời tạo hành lang pháp lý giúp mọi người TCTT từ các cơ quan công quyền nhanh chóng và thuận tiện", anh Hà Thế Quân ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) bày tỏ.
Tại điều 17 của Luật TCTT nêu cụ thể 46 loại thông tin phải được công khai. Đó là: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước; thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Tiếp cận dễ dàng
Có nhiều hình thức công khai thông tin bao gồm: đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng công báo, niêm yết tại trụ sở thông qua tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn… Trong đó, đăng tải trên cổng thông tin điện tử là cách nhanh nhất để công khai thông tin. Nếu các cơ quan nhà nước làm tốt việc này sẽ giảm tối đa việc phải trả lời từng phiếu yêu cầu thông tin. Nếu không làm tốt, các cơ quan có thể phải tiếp nhận “rừng” phiếu yêu cầu thông tin.
Trong luật cũng nêu rõ cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải được liên kết, tích hợp với cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan trực thuộc để cập nhật thông tin, tạo thuận lợi cho công dân tìm kiếm, khai thác thông tin… Theo đó, sẽ không còn tình trạng cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị nghèo nàn thông tin hay nằm "bất động" trong một thời gian dài.
Như vậy, khi Luật TCTT có hiệu lực, các cơ quan nhà nước từ cấp phường, xã trở lên phải làm thêm nhiều công việc mới như bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp…
Công dân được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; có quyền được khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về TCTT; đồng thời có nghĩa vụ tuân thủ quy định TCTT, không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền TCTT.
"Hiện tại, nhiều người dân vẫn mang tâm lý đi xin thông tin, phải chi phí khi cần TCTT. Bởi vậy, công tác tuyên truyền về Luật TCTT rất quan trọng, người dân cần biết việc TCTT là quyền của họ, trình tự thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin, trách nhiệm của cơ quan nhà nước... sẽ khiến Luật TCTT nhanh chóng đi vào cuộc sống", luật sư Dương Đức Trọng nêu quan điểm.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng khi Luật TCTT có hiệu lực sẽ tạo bước ngoặt trong hoạt động báo chí. Luật này cùng Luật Báo chí và quy chế người phát ngôn tạo thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí.