Nội dung cần tư vấn: Xin quý công ty giải đáp giúp tôi mấy vấn đề sau:
1. Pháp luật quy định như thế nào về việc đăng ký thường trú, nhập hộ khẩu mà không có mối quan hệ gia đình?
2. Hiện nay địa phương tôi là xã vùng 3, nên một số công dân ở nơi khác chuyển hộ khẩu con em họ về địa phương , trong khi đó các cháu không sinh sống tại địa phương, và giữa các cháu và bố mẹ các cháu không có mỗi quan hệ gia đình với chủ hộ đồng ý nhập khẩu? Vậy những trường hợp đó xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Tôi xin chân thành cảm ơn quý công ty.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Bảo Tín. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 và khoản 1, 3 , 4 Điều 20 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013:
"Điều 19. Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh
Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản."
"Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;...
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;
4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;
5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;
b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;
c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản."
Như vậy, pháp luật cho phép việc đăng ký thường trú, nhập hộ khẩu với những người không có quan hệ gia đình. Trong trường hợp này, cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ hộ. Trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên.
Về việc một số công dân ở nơi khác chuyển hộ khẩu con em họ về địa phương mà các cháu không sinh sống tại địa phương đó và không có mối quan hệ gia đình với chủ hộ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này:
"Điều 12. Nơi cư trú của công dân
1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú."
Hơn nữa, khoản 2 Điều 13 Luật này quy định:
"Điều 13. Nơi cư trú của người chưa thành niên...
2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định."
Theo các quy định trên, một công dân không bắt buộc phải sinh sống tại nơi đã đăng ký thường trú mà có thể sinh sống tại nơi đã đăng ký tạm trú và người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Do đó, việc một số công dân chuyển hộ khẩu cho con em về địa phương mà các cháu không sinh sống và không có mối quan hệ gia đình với chủ hộ mà đáp ứng đủ các điều kiện đăng ký thường trú thì không trái với quy định của pháp luật.
Trân trọng!