Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ ngày 01/07/2008. Với tính chất là một văn bản pháp luật chuyên ngành, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, và là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động phòng, chống đại dịch Covid-19 một cách tích cực, khẩn trương, quyết liệt mà các cơ quan chức năng đang triển khai áp dụng hiện nay.
Câu hỏi 1: Xin luật sư Dương Đức Trọng cho biết về những hành vi bị cấm trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm?
Đáp:
Xin trân trọng kính chào quý vị khán thính giả đang nghe đài, xin chào MC Phương Thảo!
Những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm 7 hành vi như sau:
1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Câu hỏi 2: Những vi phạm liên quan phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là những hành vi nào thưa luật sư?
Đáp:
Căn cứ Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì có 10 nhóm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như sau:
1. Hành vi không tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Hành vi đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19.
3. Hành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh Covid-19.
4. Hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh Covid-19.
5. Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh Covid-19.
6. Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19.
7. Hành vi không thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc ra đường thuộc diện không cần thiết.
8. Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh Covid-19.
9. Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
10. Hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh Covid-19.
Căn cứ Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/05/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP thì có 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như sau:
1. Hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
2. Hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
Căn cứ Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì có 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như sau:
1. Hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép.
2. Hành vi cản trở, chống lại người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tùy tính chất, mức độ hành vi, mà một số hành vi có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
− Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid- 19 có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.
− Trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.
− Trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như: quán bar, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym/yoga/game, rạp chiếu phim...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch Covid-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.
− Hành vi liên quan đến quy định về xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị xử lý theo Điều 347 và 348 Bộ luật Hình sự.
− Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Câu hỏi 3: Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Một trong những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan đang được Bộ Y tế triển khai thực hiện là khai báo y tế và cách ly. Bên cạnh đại bộ phận người dân tự nguyện chấp hành quy định, vẫn còn một số người trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Xin luật sư cho biết, người có hành vi không khai báo y tế làm lây lan dịch bệnh Covid-19 hoặc khai báo gian dối sẽ bị xử phạt theo những quy định nào?
Đáp:
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh Covid-19 của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh Covid-19 sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng.
Nếu làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.
Câu hỏi 4: Người làm lây lan dịch bệnh cho người khác đến mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ chịu hình phạt như thế nào, thưa luật sư?
Đáp:
Nếu làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 - 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 2 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 - 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Câu hỏi 5: Hành vi từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền thì sẽ chịu mức xử phạt như thế nào thưa luật sư?
Đáp:
Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc dịch bệnh Covid-19, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc dịch bệnh Covid-19 hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Hiện nay tỉnh Hải Dương đang áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế tự chi trả toàn bộ các chi phí cách ly.
Nếu làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.
Câu hỏi 6: Hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh Covid-19 thì sẽ chịu chế tài xử phạt ra sao thưa luật sư?
Đáp:
Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh Covid-19 sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng.
Câu hỏi 7: Hành vi đưa thông tin không đúng tình hình dịch bệnh trên mạng internet, tung tin giả về Covid-19 lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào? Khung hình phạt cao nhất là gì thưa luật sư?
Đáp:
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 4, điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi đưa tin không chính xác hoặc không kịp thời về tình hình dịch bệnh Covid-19 sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng đối với cá nhân, xử phạt từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với tổ chức. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 3 ngày theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid- 19 có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 - dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 - dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
g) Dẫn đến biểu tình.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 - 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Câu hỏi 8: Thời gian qua, có không ít tài khoản cá nhân đã đưa ra những nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống dịch Covid - 19 trên mạng xã hội? Hành vi này sẽ chịu hình thức xử phạt ra sao thưa luật sư?
Đáp:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4, điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với cá nhân, xử phạt từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng đối với tổ chức. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Trường hợp tính chất hành vi nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông như đã nêu chi tiết vừa rồi.
Câu hỏi 9: Trong thời gian qua, chúng ta cũng thấy có không ít vụ việc cản trở, chống lại người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Xin luật sư cho biết về hình thức xử phạt những hành vi chống phá này?
Đáp:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4, Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng; hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng; hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ, đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đó.
Trường hợp tính chất hành vi nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự về tội chống người thi hành công vụ, cụ thể như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Câu hỏi 10: Theo anh việc áp dụng các chế tài trong xử lý vi phạm liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19 đã chặt chẽ và đủ sức răn đe? Xin cho biết ý kiến của luật sư về vấn đề này?
Đáp:
Theo tôi việc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính, thậm chí là truy tố hình sự đối với các đối tượng có hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được các cơ quan chức năng áp dụng xử lý rất kiên quyết, đúng pháp luật, hợp lý hợp tình, đủ sức răn đe giáo dục.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương, từ ngày 27/1 - 26/2, Công an tỉnh Hải Dương đã xử lý 3.343 trường hợp vi phạm, phạt số tiền lên đến 3,2 tỷ đồng, trong đó: không đeo khẩu trang xử lý 635 vụ, ra ngoài đường trong trường hợp không cần thiết 1.015 vụ, 121 tin đăng tải thông tin có nội dung vi phạm trên không gian mạng.
Điển hình như các cơ sở kinh doanh vàng bạc đã cố tình vi phạm quy định cấm kinh doanh các lĩnh vực không thiết yếu đã bán vàng cho người dân có nhu cầu mua trong ngày Vía thần tài vừa qua. UBND các huyện, thị đã xử phạt nghiêm số tiền từ 10 - 20 triệu đồng cho mỗi trường hợp. Hoặc một trường hợp ở huyện Cẩm Giàng đang thuộc diện phải cách ly y tế tại nhà nhưng đã cố tình ra chợ bán thịt. Người này sau đó đã bị cơ quan chức năng xử phạt 17,5 triệu đồng và yêu cầu đi cách ly tập trung tự trả chi phí. Đáng chú ý cơ quan Công an thành phố Hải Dương đã nhanh chóng khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự xảy ra tại số 15 phố Trần Sùng Dĩnh, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương.
Trên đây là một vài vụ việc tiêu biểu thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành nghiêm trị những hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đã được sự đồng thuận rất cao của nhân dân, góp phần giúp tỉnh ta sớm đẩy lùi được giặc Covid.
Dẫn chương trình: Trân trọng cảm ơn Luật sư Dương Đức Trọng!