Những năm gần đây, hành vi, mức độ vi phạm của trẻ vị thành niên có những vấn đề phức tạp, đây là hồi chuông cảnh báo của nhiều gia đình trong cách quản lý, giáo dục con trẻ. Và vấn đề xã hội này cũng cần được ngăn chặn kịp thời thông qua những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần phải nắm bắt tâm lý trẻ để định hướng, giáo dục trẻ giúp trẻ em nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng có thể hình thành nhân cách, tâm lý một cách hoàn thiện và tích cực.
Câu 1: Gần đây, trên địa bàn huyện Ninh Giang xảy ra vụ việc, 3 học sinh rủ nhau đánh trọng thương và gây ra cái chết thương tâm cho một học sinh khác, chỉ vì xích mích tình cảm. Luật sự đánh giá như thế nào về tính nghiêm trọng của vấn đề?
Đáp:
1. Theo thông tin báo chí cung cấp, thì rõ ràng đây là một vụ án hết sức nghiêm trọng, thể hiện sự thoái hóa sâu sắc về chuẩn mực ứng xử mặc dù các đối tượng còn nhỏ tuổi, sinh năm 2005, tức là đến thời điểm phạm tội là trên dưới 17 tuổi, chưa đủ tuổi thành niên.
2. Theo mặt bằng chung, khu vực sinh sống của các đối tượng ở huyện Ninh Giang không phải là vùng kinh tế xã hội quá khó khăn hay lạc hậu, các đối tượng đã 17 tuổi thì sẽ có những nhận thức, hiểu biết nhất định về hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng của mình, không thể để xảy ra hậu quả đáng tiếc như vậy. Nguyên nhân vụ việc chỉ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ là nạn nhân đã tán tỉnh người yêu của 1 trong 3 đối tượng trên mạng xã hội.
3. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước ta có chính sách khoan hồng đối với người chưa thành niên phạm tội nên cùng một tính chất, hành vi, các đối tượng trong vụ án này sẽ chỉ phải chịu chế tài nhẹ hơn so với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội. Mức độ hình phạt thế nào thì phải căn cứ vào kết quả giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, làm rõ mức độ, tính chất hành vi của các đối tượng.
Câu 2: Xin luật sư cho biết về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội?
Đáp:
1. Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”. Còn trong Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì không sử dụng khái niệm “người chưa thành niên phạm tội”, thay vào đó sử dụng “người dưới 18 tuổi phạm tội”. Qua so sánh nội hàm của 2 khái niệm này thì thấy tương đồng nhau, nên cách gọi nào cũng phù hợp cả.
2. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân, độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm, và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
3. Người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp chung quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự. Nhưng trong một số trường hợp cụ thể, nếu không thuộc trường hợp này vẫn có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả.
4. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
5. Khi người dưới 18 tuổi phạm tội mà thỏa mãn các điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Tòa án áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục như khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục này không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
6. Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
b) Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
7. Tổng hợp hình phạt và bản án đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội như sau: Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.
Câu 3: Muốn đấu tranh phòng chống tội phạm chưa thành niên hiệu quả, theo anh, hình phạt hay trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội hiện đã thực sự phù hợp chưa và có cần điều chỉnh nữa hay không?
Đáp:
1. Trong những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật xảy ra có chiều hướng gia tăng và khá phổ biến, có những vụ án do người chưa thành niên gây ra mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang trong dư luận xã hội. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội là một việc khá phức tạp bởi người chưa thành niên có nhận thức chưa đầy đủ, hành vi thường mang tính bột phát do bị lôi kéo, kích động, hoặc chưa đủ khả năng làm chủ hành động của mình, hơn nữa họ còn có một tương lai dài phía trước.
2. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2018 đến quý I/2021, cả nước ghi nhận hơn 10.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.000 đối tượng có liên quan. Tính trung bình mỗi năm có hơn 3.000 vụ và hơn 5.000 đối tượng phạm tội.
3. Theo tôi, một số hình phạt theo quy định áp dụng với người chưa thành niên phạm tội không thực sự hiệu quả. Hình phạt cảnh cáo thể hiện sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội. Khi hội đồng xét xử tuyên án xong, cũng có nghĩa rằng hình phạt được thi hành xong. Sau đó không có cơ chế nào theo dõi, đánh giá người chưa thành niên phạm tội đã thực sự nhận thức được lỗi lầm mình gây ra, ăn năn hối cải chưa, cho nên hình phạt cảnh cáo cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Còn hình phạt tiền đánh vào lợi ích vật chất của người phạm tội. Thế nhưng phần lớn người chưa thành niên phạm tội đều không có thu nhập và tài sản riêng, chưa nhận thức đầy đủ giá trị đồng tiền. Do vậy, quy định áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên cũng chưa thật phù hợp với thực tế.
4. Một yếu tố rất quan trọng để quyết định đúng đắn về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội là những người tiến hành tố tụng phải hiểu biết và đánh giá đúng tâm sinh lý, khả năng nhận thức của người chưa thành niên phạm tội trong mỗi vụ án khác nhau.
Đây là vấn đề không hề đơn giản, bởi mỗi cá nhân người chưa thành niên có môi trường, điều kiện sống hoàn toàn khác nhau nên cách nhìn nhận của họ về cuộc sống, về xã hội cũng khác nhau. Vì vậy, cần mở nhiều lớp tập huấn bài bản, sâu sắc về tâm lý người chưa thành niên trong ngành Tòa án nói riêng, các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức, cá nhân liên quan tham gia giải quyết vụ án người chưa thành niên phạm tội nói chung.