1/ Bị kỷ luật nặng nhất là buộc thôi việc
Theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/9/2021, khi vi phạm, tùy vào mức độ, tính chất vi phạm cán bộ, công chức có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, Cụ thể, nếu vi phạm các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình, cán bộ, công chức có thể bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức:
- Khiển trách: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng.
- Cảnh cáo: Đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
- Hạ bậc lương: Đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Giáng chức: Đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Cách chức: Công chức đã bị giáng chức mà tái phạm; cán bộ đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc, người vi phạm cũng tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
- Buộc thôi việc: Đã bị cách chức hoặc hạ bậc lương mà tái phạm; vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, các mức độ vi phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2020 như sau:
a) Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
b) Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
c) Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
d) Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Như vậy, cán bộ, công chức nếu ngoại tình có thể bị kỷ luật nặng nhất là buộc thôi việc.
2/ Bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng
Ngoài bị kỷ luật, cũng như các đối tượng khác, nếu ngoại tình, cán bộ, công chức sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP với mức tiền từ 03 - 05 triệu đồng:
- Đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
- Chưa có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng/vợ.
3/ Bị phạt tù đến 3 năm
Không chỉ kỷ luật, phạt hành chính mà cán bộ, công chức còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự.
Bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm
- Khiến một trong hai bên hoặc cả hai bên ly hôn.
- Đã bị xử phạt hành chính nhưng còn tiếp tục vi phạm.
Bị phạt tù từ 06 tháng - 03 năm
- Việc ngoại tình khiến vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
- Tòa án đã ra quyết định có hiệu lực pháp luật về việc buộc chấm dứt chung sống với nhau như vợ chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
4/ Cán bộ, công chức là Đảng viên có thể bị khai trừ
Nếu là Đảng viên, cán bộ, công chức mà vi phạm quy định về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng hay chính là ngoại tình sẽ bị khai trừ khỏi Đảng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW.