Theo Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được điều chỉnh hàng năm kể từ 2021, thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường sẽ là 60 tuổi 6 tháng, và lao động nữ là 55 tuổi 8 tháng, thay vì lần lượt 60 tuổi 3 tháng và 55 tuổi 4 tháng như quy định hiện hành.
Tùy trường hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Người được nghỉ hưu sớm diện này gồm: lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định, người làm việc 15 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Ngược lại, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể được nghỉ hưu muộn hơn, nếu đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Tính đến cuối 2020, cả nước có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó có hơn 3,1 triệu người trong số đó đang được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng, 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí, còn hơn 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng các chính sách an sinh này.